Ngày 1/3 vừa qua, đại diện Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có buổi làm việc cùng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông & Du lịch Nhật Bản về dự án “Phát triển Đào tạo – Giáo dục trong khuôn khổ chương trình tiếp nhận công nhân xây dựng nước ngoài’.
Theo đó, cả hai bên đã thống nhất rằng đào tạo chuyên môn cho các tu nghiệp sinh tại Nhật Bản là một trong những vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.
Trong buổi làm việc đầu tiên, đại diện phía Nhật Bản đã chỉ ra một số nội dung cần có trong chương trình đào tạo chuyên môn cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Đồng thời, cả hai bên cũng thấy rằng, đào tạo chuyên môn có hiệu quả cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa bên tuyển dụng và bên xuất khẩu lao động.
Phía Nhật Bản cũng đề xuất, trong tất cả các bộ tài liệu về đào tạo chuyên môn, cần làm rõ các khái niệm về: Dụng cụ, vật liệu cùng bộ từ ngữ chuyên môn. Phần lớn nội dung của giáo trình cần đề cập tới việc làm thế nào để đọc bản vẽ, các yêu cầu cụ thể của công việc cũng như cách giải quyết vấn đề sao cho hợp lý. Ngoài ra, giáo trình còn cần phải thể hiện rõ ràng những vấn đề liên quan tới an toàn và vệ sinh trong quá trình lao động, dụng cụ và ngay cả bản thân người lao động.
Ngoài ra, để đảm bảo người lao động có thể hiểu và nắm bắt vấn đề một cách chính xác, các từ ngữ trong giáo trình cần được diễn đạt, chuyển nghĩa tiếng việt chính xác rõ ràng, kèm theo hình vẽ minh họa để người học có thể hiểu đúng.
Bên cạnh đó, các giáo trình đào tạo cũng nên bổ sung định nghĩa cũng như cách sử dụng và tính năng của các loại vật liệu. Đồng thời thông báo trước những sự việc có thể xảy ra ở công trường nhiều khả năng không giống với từ ngữ được giảng dạy trong sách giáo khoa.
Hầu hết các loại bản vẻ của Nhật đều có những kí hiệu đặc biệt, chúng giữ vị trí vô cùng quan trọng, do đó giáo trình giảng dạy cần nắm rõ và thể hiện chính xác ý nghĩa của từng loại ký hiệu. Nên đưa thêm phần giải thích công đoạn, yêu cầu và an toàn lao động kèm theo hình ảnh minh họa để diễn giải cụ thể giúp tu nghiệp sinh có thể hình dung một cách chính xác nhất.
Trong từng công đoạn công việc, các tu nghiệp sinh có thể thường xuyên mắc sai lầm, phía Nhật sẽ bổ sung phần nội dung này đồng thời đưa ra cách giải quyết cho từng tình huống vào giáo trình.
Ngoài ra, phía Nhật Bản cũng nhận định rằng, các tu nghiệp sinh từ Nhật trở về nước rất cần có các chứng chỉ đào tạo để nâng cao khả năng thăng tiến nghề nghiệp của họ sau này, bởi phần lớn sau khi trở về, tu nghiệp sinh không nhận được bất cứ chính sách hỗ trợ nào khiến: Thu nhập giảm, điều kiện làm việc không như mong đợi…
Theo đó, đại diện Nhật Bản cũng đề xuất thêm một số vấn đề sau:
– Kết nối giữa tu nghiệp sinh và doanh nghiệp để tạo điều kiện việc làm cho họ khi trở về nước
– Các doanh nghiệp Nhật Bản đang dầu tư tại Việt Nam sẽ tiến hành tuyển dụng trực tiếp, ưu tiên tuyển dụng tu nghiệp sinh từ Nhật trở về.
– Hỗ trợ tu nghiệp sinh nâng cao trình độ
– Thông qua việc trao học bổng cho những cá nhân xuất sắc, qua đó cấp chứng chỉ nghề giúp họ có tương lai ổn định hơn
Bên cạnh ý kiến mà đại diện phía Nhật Bản đưa ra, ông Nguyễn Văn Hiệp – Công ty phát triển nhân lực Vinaconex cũng chia sẻ: Hiện nay, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc thường gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng từ ngữ chuyên ngành. Để giải quyết vấn đề này, có thể cho xuất bản các cuốn từ điển nhỏ gọn trong đó thể hiện các từ ngữ chuyên môn về các ngành nghề, để người lao động có thể tìm hiểu, tra cứu bất cứ lúc nào.
Chưa dừng lại ở đó, cần có các chương trình giúp kết nối lao động sau khi về nước như: Giới thiệu việc làm…
Những ý kiến của ông Nguyễn Văn Hiệp cũng được sự đồng tình của các thành viên tham gia buổi thảo luận. Theo ông Đoàn văn Minh, đại diện CEO Group cho biết, hiện có rất nhiều tu nghiệp sinh về nước sau khi hết hợp đồng lao động, tuy nhiên họ không được làm đúng ngành nghề mà mình đã được học. Đây quá là một lãng phí lớn bởi những ngành được đào tạo tại Nhật thường có tính chuyên môn hóa rất sâu. Hơn thế, tu nghiệp sinh lại đến từ nhiều địa phương khác nhau, nên nếu muốn được làm đúng ngành buộc các em phải chấp nhận làm việc xa nhà.
Cũng theo ông Trần Ngọc Quang – Tổng thư ký hiệp hội BĐS Việt Nam, chúng ta nên xây dựng cơ sở dữ liệu của các tu nghiệp sinh để các đầu mối của doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm nhân lực. Từ đó, phía Nhật Bản cũng có thể nắm được hiệu quả mà họ đào tạo các tu nghiệp sinh đạt đến mức nào. Đồng thời, nhờ việc làm này, có thể kết nối, hỗ trợ việc làm cho họ sau khi về nước.
Sau khi lắng nghe những ý kiến của đại diện Việt Nam, phía Nhật Bản cũng tỏ ra đồng tình và mong muốn sẽ hoàn thành tốt dự án mà 2 bên đã đưa ra.